Ngày 29/12/2022 đánh dấu một sự kiện đáng buồn của ngành thời trang: nhà thiết kế biểu tượng của Anh Quốc – Dame Vivienne Westwood qua đời ở tuổi 81. Được coi là một trong những người tiên phong vĩ đại của thời trang và là người mở đường cho phong cách Punk, Vivienne đã phá vỡ mọi quy tắc sáng tạo với những bộ trang phục toát lên sự độc lập, nổi loạn và quyền lực. Bà đã đem đến cho các thế hệ thanh niên những mật mã mới để thể hiện bản thân.
Là một nhà thiết kế không được đào tạo bài bản về thời trang, Vivienne Westwood đã tự học may quần áo từ thuở thiếu thời. Bằng cách làm theo mẫu và tháo rời quần áo cũ, cô gái trẻ đã tự tìm hiểu về những đường cắt may cũng như cấu tạo của mỗi bộ trang phục. Vào những năm 60, sau khi ly hôn người chồng đầu tiên, Vivienne gặp gỡ quản lý Malcolm McLaren của ban nhạc rock Sex Pistols – bắt đầu con đường trở thành một trong những cá tính thời trang nổi loạn bậc nhất lịch sử.
Những thiết kế đầy khiêu gợi, đôi khi gây tranh cãi của Vivienne đã định hình nên thẩm mỹ Punk và giúp bà trở thành một trong những NTK thời trang nổi bật nhất nước Anh. Phong cách thiết kế của NTK tài hoa đặc trưng bởi sự pha trộn giữa các tham chiếu lịch sử, kỹ thuật cắt may cổ điển và sự khởi sắc lãng mạn với những thông điệp chính trị cứng rắn. Ngay cả khi đế chế thời trang của mình đã phát triển thành một doanh nghiệp trị giá hàng triệu bảng Anh, bà vẫn chưa bao giờ đánh mất bản chất nghệ thuật cốt lõi của mình. Thương hiệu Vivienne Westwood chưa bao giờ đề cao tính thương mại, mà là thế giới của ý tưởng sáng tạo. Bà đã có những đóng góp to lớn đối với môi trường, tiếng nói chính trị, văn hóa, luôn ủng hộ quyền tự do thể hiện bản sắc cá nhân và “giải phóng” định kiến giới trong thời trang.
Mặc dù không thể tóm tắt được hết hàng thập kỷ hoạt động trong lĩnh vực thời trang của bà, nhưng tính biểu tượng và sự tiên phong độc đáo trong sự nghiệp của Vivienne Westwood vẫn có thể dễ dàng được nhìn nhận thông qua những di sản “để đời”.
Punk và thời trang cao cấp – Cuộc “hôn phối” độc nhất vô nhị
Không phải tự nhiên mà giới mộ điệu lại dành cho Vivienne Westwood những danh xưng mỹ miều như “Nữ hoàng nổi loạn”, “Bà hoàng của phong cách Punk”,… Với những thiết kế khiêu khích và phá vỡ ranh giới của mình, Vivienne đã từng bước thiết lập nên “giai điệu thời trang” cho phong trào nhạc Punk vào những năm 70. Tại 430 Đại lộ Kings, London, cửa hàng đầu tiên của bà ra đời, với những thiết kế được làm cho Sex Pistols và nhóm New York Dolls. Tên của cửa hàng liên tục được đổi theo tên các BST của Vivienne, từ “Let It Rock”, “Too Fast To Live”, “Too Young To Die”, cho đến nổi tiếng nhất là “Sex” vào năm 1974. Chất Punk trong phong cách thời trang của Vivienne Westwood là cuộc “nổi loạn” của những bộ quần áo đính đầy đinh ghim, khóa kéo kim loại, hình in của Nữ hoàng Anh cùng các trang sức kỳ quái, kiểu tóc lạ lùng và lối trang điểm đậm.
Nổi loạn, dị biệt là vậy, nhưng Vivienne Westwood vẫn luôn biết cách khiến thời trang cao cấp phải “chấp nhận” phong cách Punk do mình khởi xướng. Bằng cách tận dụng những chất liệu và chi tiết hoài cổ như sọc kẻ tartan cổ điển, chuỗi vòng ngọc trai sang trọng, chiếc mini-crini táo báo được lấy cảm hứng từ phong cách váy áo của thế kỷ 17, hay tranh sơn dầu được in trên chiếc áo corset gợi cảm,… Vivienne đã tạo nên một chất Punk “quái – độc – lạ” mà vẫn mang đậm nét vị lai giữa truyền thống và hiện đại, là sự pha trộn tài tình giữa tính nghệ thuật của thời trang cao cấp và sự phóng khoáng, vượt qua mọi khuôn khổ của các phong trào phản văn hóa.
Những nỗ lực bảo vệ môi trường và sự bền vững của thời trang
Biến đổi khí hậu là vấn đề “nhức nhối” của ngành công nghiệp thời trang, đến mức mà nhiều thương hiệu lớn đang dần sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường và nhấn mạnh nhu cầu về tính bền vững trong thời trang. Nhưng khi Vivienne Westwood bắt đầu nói về tính bền vững từ những năm 1980, bà bị coi là một “kẻ dị biệt”. Kể từ đó, bà đã chủ động sử dụng kỹ thuật may đo truyền thống của Savile Row và rất coi trọng cách sản xuất hàng may mặc – xem xét chuỗi cung ứng. Vào năm 2012, Vivienne đã xuất hiện trên sàn diễn tại Tuần lễ Thời trang London với chiếc áo phông có dòng chữ “climate revolution” (Biến đổi khí hậu). Và vào năm 2015, bà thậm chí đã lái một chiếc xe tăng đến gần nhà của cựu thủ tướng David Cameron để phản đối việc khai thác mỏ.
“Mua ít hơn, chọn lựa kỹ, sử dụng lâu dài” là câu nói nổi tiếng nhất liên quan đến thời trang bền vững của nữ NTK. Vivienne Westwood đã sử dụng tiếng nói thương hiệu để nâng cao nhận thức về tác động môi trường của việc tiêu dùng quá mức. Nhìn nhận rõ ràng về sự tương phản giữa ngành công nghiệp thời trang và những giá trị môi trường bền vững mà mình hướng tới, “Bà hoàng tóc đỏ” đã đưa ra lời cam kết về việc điều chỉnh cách sản xuất quần áo và phụ kiện của mình, nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng và “bền vững” nhất có thể. Thương hiệu Vivienne Westwood sử dụng các loại vải tái chế hoặc thân thiện với môi trường như vải lanh, bông hữu cơ, sợi tre và vải thô nhiều màu sắc tự nhiên.
“Đập tan” những khuôn mẫu về giới tính trong thời trang
Trong vài năm qua, thời trang phi giới tính đã trở thành xu hướng được nhiều thương hiệu lớn hướng đến, cũng như nhận được sự hưởng ứng từ những người nổi tiếng như Brad Pitt, Harry Styles, Bad Bunny,… Điều này hẳn là sẽ không xảy ra nếu như không có Vivienne Westwood. Ngay từ những năm đầu sự nghiệp, bà đã nhanh chóng vượt lên mọi ranh giới về giới tính trong thời trang, khi đưa đàn ông mặc váy và phụ nữ trong những bộ đồ phom dáng kém mềm mại lên sàn diễn.
Những thiết kế phi giới tính của Vivienne Westwood lần đầu tiên mang lại cho bà danh xưng “Nữ hoàng Punk” là vào những năm 1970, và trong buổi trình diễn trang phục nam mùa Xuân Hè 2017 của bà cũng có sự góp mặt của những cô gái mặc quần đùi nam và những người đàn ông tóc dài mặc váy. Từ những năm 80, khi ra mắt BST “Time Machine” với những người mẫu nam đeo vòng ngọc trai, giới truyền thông đã chế giễu Vivienne về sự kết hợp “phi lý” đó. Nhưng bà cũng không ngần ngại mà đáp trả rằng: “Mấy người có thể sẽ thấy giám đốc ngân hàng của mình sau 5 năm nữa trong bộ đồ đó đấy” – chứng tỏ một tầm nhìn và sự tự tin đi trước thời đại rất xa. Nhiều người có thể cười nhạo tinh thần phi giới tính hóa thời trang của nữ NTK vào thời điểm đó, nhưng cho đến nay, nó đã trở thành một phần không thể thiếu của thời trang hiện đại. Và để thúc đẩy xu hướng thời trang phi giới tính, Vivienne Westwood đã thông báo rằng bà chính thức hợp nhất các BST trang phục nam và nữ của mình, bằng cách loại bỏ dòng trang phục Red Label.
Những thiết kế đã đi vào hàng kinh điển
Nói đến Vivienne Westwood, người ta sẽ nghĩ ngay đến thẩm mỹ Punk, và hiện nay, tên của bà còn là đại diện cho nét lãng mạn đầy nổi loạn của trào lưu Y2K nói riêng, và phong cách vintage hoài cổ nói chung.
Một trong những thiết kế dễ nhận diện nhất của nhà mốt nổi loạn, chính là chuỗi vòng ngọc trai mang tính biểu tượng, với logo Vivienne Westwood được lấy cảm hứng từ quả cầu chủ quyền Anh Quốc và các vành đai Sao Thổ, tượng trưng cho sự cao quý của hoàng gia Anh và ước mơ chạm tới những vì sao của khoa học. Bằng việc sử dụng những viên ngọc quý kết thành một chiếc choker cá tính, Westwood đã đem đến màn kết hợp độc đáo giữa nét thượng lưu quý tộc và sự phá cách của văn hóa Punk. Nhờ vậy mà dù đã có tuổi đời gần 40 năm, chiếc choker này vẫn có thể khiến thế hệ trẻ “điên đảo”. Những influencer (người có tầm ảnh hưởng), các tín đồ thời trang Gen Z đam mê trào lưu hoài cổ, hay những cá tính đang tìm kiếm sự giao thoa của nhiều khuynh hướng thời trang,… đã một lần nữa làm “sống dậy” vẻ đẹp của những chiếc choker mang đậm dấu ấn Westwood này.
Cùng với choker ngọc trai dành cho các tín đồ vintage, thì chiếc áo corset (áo nịt ngực) của Vivienne Westwood đã trở thành món đồ “đinh” của trào lưu Y2K. Hiển nhiên, áo corset đã được mặc từ nhiều thế kỷ trước, nhưng chúng chỉ là món nội y bị giấu kín sau nhiều lớp váy áo. Đến năm 1987, khi BST “Harris Tweed” ra đời, Vivienne đã tái định nghĩa chiếc corset, biến nó thành một biểu tượng của quyền lực mềm và sự tự do của phụ nữ. Chiếc áo nịt ngực được thiết kế lại thành chiếc áo khoác ngoài, và được đặt tên là “Statue of Liberty” (tượng nữ thần tự do). Các BST của bà đã giúp thu hút sự quan tâm mới cho áo corset và biến nó thành một phần không thể thiếu của phong cách Y2K. Vào những năm gần đây,cùng với làn sóng Y2K, áo nịt ngực của Vivienne Westwood cũng đã có một sự hồi sinh của riêng, khi FKA Twigs, Bella Hadid, Dua Lipa, Megan Three Stallion và chị em nhà Kardashian tích cực khoe vòng eo của họ.
Tiếng nói xã hội đằng sau mỗi bộ sưu tập
Không chỉ đơn thuần là quần áo để mặc, các thiết kế của NTK tài năng còn là cách để bà nói lên quan điểm của mình về các vấn đề xã hội. Vượt qua những rào cản và định kiến, Vivienne Westwood luôn nỗ lực lồng ghép vào thời trang các yếu tố chính trị và những vấn đề nhức nhối. Từ việc bảo vệ môi trường cho đến Brexit, “nữ hoàng nổi loạn” luôn gây bất ngờ cho giới mộ điệu bởi cách tiếp cận thẳng thắn nhưng vẫn đậm hơi thở thời trang.