Tóc bạc không chỉ làm giảm đi vẻ ngoài trẻ trung mà còn ảnh hưởng đến sự tự tin trong cuộc sống hàng ngày. Với một số bí quyết đơn giản ngay tại nhà, bạn hoàn toàn có thể ngăn ngừa tình trạng tóc bạc sớm.
Tóc bạc quá trình lão hóa tự nhiên không thể tránh khỏi của con người, thường xuất hiện ở độ tuổi 40 – 45 trở lên. Khi tuổi tác tăng dần, các nang tóc sẽ lão hóa và chuyển màu do sự suy giảm của các tế bào melanocyte. Tuy nhiên, nếu hiện tượng này xảy ra từ độ tuổi 20 – 30, đó chính là dấu hiệu của tóc bạc sớm. Điều này khiến nhiều người lo lắng và tự ti khi vẻ ngoài trở nên kém sức sống. Trong bài viết này, ELLE bật mí cho bạn 8 bí quyết hiệu quả giúp ngăn ngừa tình trạng tóc bạc sớm, mang lại cho bạn sự tự tin với mái tóc đen mượt tự nhiên.
Nguyên nhân dẫn đến tóc bạc sớm
Tất cả các sợi tóc đều trải qua một chu kỳ tái sinh rồi rụng đi, chu kỳ này sẽ lặp lại liên tục suốt đời khi các nang tóc vẫn hoạt động. Các nang tóc chứa các tế bào sắc tố sản xuất melanin cung cấp màu sắc cho mái tóc. Theo thời gian, các tế bào sắc tố này giảm dần khả năng sản xuất melanin và cuối cùng ngừng hẳn, khiến tóc chuyển sang màu bạc.
“Tóc bạc sớm được cho là do di truyền và thậm chí có thể liên quan đến một gen cụ thể – yếu tố điều hòa interferon 4 (IRF 4), có thể điều chỉnh việc sản xuất melanin” – Bác sĩ da liễu Marisa Garshick.
Theo nghiên cứu của Thư viện Quốc hội, nguy cơ tóc bạc của chúng ta trung bình tăng 10% đến 20% mỗi thập kỷ sau tuổi 30. Tình trạng tóc bạc sớm ở độ tuổi 20 không còn quá xa lạ, nguyên nhân là xuất phát từ yếu tố di truyền. Gen di truyền đóng vai trò quyết định màu tóc và thời điểm cũng như tốc độ tóc bạc của chúng ta ngay từ khi sinh ra. Nếu trong gia đình có người thân hoặc bố mẹ tóc bạc tóc sớm, khả năng cao bạn cũng có thể gặp phải tình trạng tương tự.
8 mẹo ngăn ngừa tóc bạc
Giảm áp lực căng thẳng
Căng thẳng là một phần không thể tránh khỏi của cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, khi mức độ căng thẳng vượt quá khả năng chịu đựng của cơ thể, nó có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe bao gồm tình trạng tóc bạc sớm. Căng thẳng kéo dài làm tăng lượng gốc tự do trong cơ thể, các phân tử không ổn định này có thể gây tổn hại cho tế bào, bao gồm cả các tế bào sản xuất melanin – sắc tố quyết định màu tóc.
Do đó, giải tỏa áp lực có thể giúp cơ thể sản xuất ít gốc tự do hơn, từ đó bảo vệ các tế bào melanocyte, duy trì màu sắc đen tự nhiên của tóc lâu hơn. Giảm stress thông qua các hoạt động như yoga, thiền và tập thể dục đều đặn sẽ giúp cải thiện tuần hoàn máu, đảm bảo các nang tóc nhận đủ dưỡng chất và oxy để duy trì màu sắc.
Xây dựng chế độ ăn cân bằng
“Sống một lối sống lành mạnh và đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng với đủ protein giúp giải quyết tình trạng bạc tóc sớm” – Bác sĩ da liễu Michele J. Farber.
Xây dựng chế độ ăn cân bằng là một trong những cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa tóc bạc. Bằng cách duy trì chế độ ăn giàu chất chống oxy và ít chất béo có thể cung cấp dưỡng chất cần thiết cho tóc và giảm nguy cơ tác động tiêu cực đến nang tóc. Chế độ ăn bao gồm nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như hoa quả mọng, rau cải xanh và hạt… giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương gốc tự do. Đồng thời bổ sung hàm lượng protein từ các nguồn thực phẩm như thịt gà, cá, trứng, đậu giúp cung cấp axit amin cần thiết cho sự phát triển và nuôi dưỡng nang tóc chắc khỏe. Lựa chọn chất béo không bão hòa như dầu olive, hạt hạnh nhân và dầu cá, thay thế chất béo từ bánh kẹo, sữa, đường, thức ăn chế biến nhanh… giúp giảm nguy cơ viêm nang tóc và duy trì sức khỏe của mái tóc.
Bổ sung đủ vitamin và khoáng chất
Bác sĩ da liễu Ted Lain cho biết, thiếu hụt vitamin và khoáng chất nhất định cũng có thể góp phần làm tóc bạc. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Trichology cho thấy, người trẻ có dấu hiệu tóc bạc tóc sớm do ăn uống thiếu hụt lượng vitamin D. Vì vậy, bạn hãy đảm bảo xây dựng một chế độ ăn cân đối và đa dạng, bao gồm các thực phẩm giàu dưỡng chất để duy trì mái tóc khỏe mạnh và có màu sắc tự nhiên. Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng từ vitamin A, C, D, B5, B12 đến các khoáng chất như kẽm, sắt, đồng sẽ giúp mái tóc được khỏe mạnh.
- Vitamin A: khoai lang, gan, cà rốt…
- Vitamin C: cam, ổi, kiwi, bông cải xanh…
- Vitamin D: cá hồi, cá thu, trứng, sữa…
- Vitamin B12: sữa chua, phô mai, trứng…
- Sắt: thịt bò, rau bó xôi, đậu lăng…
- Kẽm: tôm, hạt bí, hạt dẻ cười…
- Đồng: ngũ cốc, hạnh nhân, hạt điều, nghêu…
Cung cấp đủ nước cho cơ thể
Nước là một phần quan trọng của cơ thể, chiếm đến 70% trọng lượng cơ thể và tham gia vào hầu hết các quá trình sinh học. Do đó, việc nạp đủ nước giúp cung cấp độ ẩm cho tóc từ bên trong, giữ cho tóc luôn khỏe mạnh và ngăn ngừa tình trạng tóc bạc sớm. Nước còn giúp cơ thể tái tạo tế bào mới, bao gồm cả tế bào tóc. Việc uống đủ nước giúp hỗ trợ quá trình sản xuất melanin, sắc tố tự nhiên của tóc, từ đó giúp tóc phát triển khỏe mạnh và giữ màu sắc tự nhiên lâu dài. Đồng thời cung cấp 8 -10 ly nước mỗi ngày giúp kích thích quá trình loại bỏ độc tố giúp cơ thể, tăng cường sức khỏe của nang tóc.
Bảo vệ mái tóc khỏi nhiệt độ
“Giảm stress oxy hóa trên tóc bằng cách bảo vệ da đầu khỏi ánh nắng mặt trời là điều nên làm” – Bác sĩ da liễu Michele J. Farber.
Tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời không chỉ có thể gây tổn thương da mà còn có thể đẩy nhanh quá trình bạc tóc. Bạn hãy chọn các sản phẩm chăm sóc tóc có chứa thành phần chống nắng hoặc xịt chống nắng dành riêng cho tóc với khả năng tạo lớp màng bảo bảo vệ tóc khỏi tia UV gây hại. Bảo vệ mái tóc bằng mũ rộng vành, khăn che, áo khoác… khi ra ngoài trời để che chắn tối đa. Đồng thời, hạn chế sử dụng các thiết bị tạo kiểu bằng nhiệt độ cao và đừng quên xịt dưỡng bảo vệ tóc để giảm thiểu tác động tiêu cực gây hư tổn, dẫn đến tóc bạc sớm.
Hạn chế tiếp xúc tóc với hóa chất
Tiếp xúc thường xuyên với hóa chất làm tóc là nguyên nhân hàng đầu gây hại cho sức khỏe của tóc, dẫn đến tình trạng tóc yếu đi và dễ bạc màu sớm. Melanocytes là các tế bào trong nang tóc chịu trách nhiệm sản xuất sắc tố tạo màu cho tóc (melanin). Thực hiện các phương pháp tạo kiểu tóc như uốn, nhuộm, tẩy… khiến các hóa chất trong thuốc làm tổn thương hoặc phá hủy melanocytes, làm giảm khả năng sản xuất melanin, dẫn đến tình trạng tóc bạc. Nhiều sản phẩm nhuộm tóc chứa chất oxy hóa mạnh như hydrogen peroxide, có thể làm suy yếu cấu trúc sợi tóc, khiến tóc dễ gãy rụng và tẩy đi màu sắc tự nhiên.
Ngủ đủ giấc
Thiếu ngủ có thể làm tăng mức độ cortisol (hormone căng thẳng) trong cơ thể, gây ra tình trạng stress mãn tính. Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất melanin, dẫn đến tóc bạc sớm. Việc hình thành thói quen ngủ sớm không chỉ giúp cơ thể có thời gian nghỉ ngơi mà còn tập trung vào việc đào thải chất độc và tái tạo các tế bào, từ đó giúp nang tóc hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày sẽ giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất cũng như hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, ngăn ngừa tình trạng oxy hóa hydroperoxide giúp tóc luôn khỏe mạnh. Bên cạnh đó, ngủ đủ giấc cũng giúp giảm lo âu, căng thẳng, xây dựng sức khỏe tâm lý tốt giúp duy trì các chức năng sinh học một cách hiệu quả, bao gồm cả việc sản xuất melanin cho tóc.
Tránh hút thuốc lá
Một nghiên cứu trên Tạp chí Quốc tế về Trichology cho thấy căng thẳng oxy hóa có liên quan đến tình trạng tóc bạc sớm. Hút thuốc là một trong các yếu tố chính gây căng thẳng oxy hóa và có liên quan đến tình trạng tóc bạc sớm. Khi ngừng hút thuốc, cơ thể có thể sử dụng tốt hơn các chất chống oxy hóa để bảo vệ tế bào khỏi hư hại, bao gồm cả các tế bào sản xuất melanin trong tóc. Trong thuốc lá có chứa hàng ngàn hóa chất độc hại, bao gồm nicotine, carbon monoxide, và các hợp chất gây ung thư. Những chất này có thể làm hại các tế bào melanocytes trong nang tóc, khiến chúng giảm khả năng sản xuất melanin, dẫn đến tóc bạc màu.