Giấy Dó Ngô Đức: Đời người trên vuông giấy dó

Cái tên Ngô Đức có ý nghĩa như thế nào?
Ngô là tên dòng họ, còn Đức là tên đệm trong chi nhỏ nhà tôi. Ông bà đi trước đã tạo dựng nên nền tảng về nghề thủ công, gồm kiến thức và kinh nghiệm từ quá trình làm việc. Thế hệ trẻ như tôi may mắn được kế thừa nền tảng ấy và có cơ hội tiếp giữ, phát triển nó. Vậy nên tôi chọn cái tên Ngô Đức, có thế hệ đi trước, có bản thân mình và mong đợi sự tiếp nối lâu dài về sau.

Ông bà bạn, những nghệ nhân làm giấy dó lâu năm của làng Đống Cao, cũng trợ giúp cô cháu gái trên hành trình này chứ?
Ông nội dạy tôi những kiến thức và thực hành quy trình làm giấy, từ những bước đầu tiên cho tới khi hoàn thiện sản phẩm cuối cùng. Người xưa làm giấy để vẽ tranh, viết thư pháp, còn tôi lần đầu làm giấy Dó để viết Calligraphy và vẽ màu nước. Nếu ngày nhỏ tôi đứng nhìn ông làm, chạy loanh quanh giúp việc vặt thì giờ tôi tự làm, ông sẽ ở bên cạnh góp ý, trợ giúp. Hình ảnh ấy khiến tôi nhớ lại tuổi thơ êm đềm và đẹp đẽ đã trải qua bên cạnh ông bà.

Tờ giấy đầu tiên ra đời, tôi cầm nó trên tay, ngửi mùi hương, nhìn kỹ những vân giấy và nhận ra: Tờ giấy mỏng manh thành hình sau bao ngày tháng nhờ bàn tay khéo khéo của người thợ vừa dai, bền, mỏng nhưng không nhòe mực khi viết, vẽ. Nếu được lưu giữ đúng cách, giấy sau hàng trăm năm vẫn vẹn nguyên như mới.

Bạn đã nhìn thấy những tờ giấy dó thủ công do ông nội làm và giấy công nghiệp do bố mẹ làm. Điểm khác biệt giữa hai loại giấy đó là gì?
Khác biệt nằm ở quá trình sản xuất và nhu cầu sử dụng. Giấy công nghiệp làm theo dây chuyền, phục vụ việc viết, vẽ, in ấn cơ bản. Nó được sản xuất với số lượng lớn, giá thành thấp, dễ tiếp cận. Giấy dó thì được làm hoàn toàn thủ công, không dùng hóa chất, đáp ứng một số nhu cầu đặc biệt như sáng tác nghệ thuật, lưu trữ, phục chế tài liệu cổ…