Sau các vấn đề về da như mụn, thâm sạm, nếp nhăn,… thì hình dáng mặt không đều cũng là một trong những vấn đề gây trở ngại cho vẻ đẹp của các nàng.
Thời gian gần đây, một filter trên Tiktok có tên là Inverted đã khiến cho rất nhiều người hoang mang vì nó cho chúng ta thấy gương mặt của mình lệch tới mức nào. Filter ấy tạo ra một nỗi sợ vô hình rằng gương mặt của chúng ta trong mắt người khác hoàn toàn ngược lại với gương mặt chúng ta thường thấy khi soi gương hoặc trong những bức ảnh selfie.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mặt lệch
Chúng ta phải chấp nhận chuyện gương mặt của bất kì ai đều sẽ không cân xứng, hoàn hảo 100%. Tuy nhiên nếu như sự sai lệch đó có thể nhận biết được bằng mắt thường thì chúng ta cũng nên điều chỉnh. Tuy nhiên không phải trường hợp mặt lệch nào cũng có thể điều chỉnh được. Chúng ta chỉ có thể cải thiện tình trạng mặt lệch với những trường hợp do sự phát triển không đồng đều của cơ chứ các trường hợp lệch liên quan tới cấu trúc xương thì không thể cải thiện mà không có can thiệp giải phẫu.
Mặt lệch là một quá trình rất dài chúng ta duy trì những thói quen không tốt dẫn đến sự phát triển cơ mặt không đồng đều. 4 thói quen mà chúng ta thường hay không để ý tới có thể dẫn đến tình trạng mặt lệch là:
Nhai lệch bên
Chúng ta thường có thói quen nhai bằng phía hàm thuận của mình. Hoặc có những trường hợp chúng ta đang gặp các vấn đề về răng như đau răng, viêm lợi… chúng ta thường có thói quen nhai ở bên đối diện. Một thời gian như thế dẫn đến việc chúng ta quen nhai ở bên hàm không đau dẫn đến việc mặt bị lệch sang bên nhai nhiều hơn. Lý do dẫn đến hiện trạng này là do khi nhai nhiều về một bên, cơ cắn bên đó phải hoạt động nhiều dẫn đến việc cơ cắn phát triển và làm bên mặt đó trông to hơn.
Ăn đồ cứng nhiều
Việc ăn đồ cứng nhiều kết hợp với việc nhai lệch bên sẽ làm cho tình trạng lệch mặt phát triển nhanh hơn.
Ngủ nghiêng
Khi nằm nghiêng, một bên mặt sẽ bị trọng lượng của cả đầu đè lên. Việc này không những khiến bên mặt bị đè trở nên xệ hơn, lâu dần sẽ to hơn mà còn khiến cho vùng rãnh má sâu hơn. Rãnh má một bên trở nên sâu hơn cũng là một lý do khiến cho hai bên mặt trong không đồng đều.
Nghiến răng
Tật nghiến răng được định nghĩa là “hoạt động lặp đi lặp lại của cơ hàm, đặc trưng bởi sự siết chặt hoặc nghiến của răng và/hoặc bởi sự giằng và đẩy của hàm dưới”. Nghiến răng có thể gây chấn thương khớp cắn. Khớp cắn ảnh hưởng lên chức năng của cơ, dẫn đến tình trạng mặt lệch.
Massage bao lâu thì hiệu quả?
Những động tác nhai không đồng đều và những thói quen sai khiến cho cơ co nhiều hơn là vận động. Trái lại những động tác massage vào khu vực mặt bị to lên để giúp cơ vùng đấy thư giãn, giúp cơ đỡ gồng, đỡ to hơn. Theo lời khuyên của bác sĩ da liễu Lương Trung Hiếu, duy trì việc massage mặt, nhai đều bên và không phạm phải những thói quen xấu như ngủ nghiêng, nghiến răng hay ăn đồ cứng nhiều thì một gương mặt bị lệch do phát triển cơ không đồng đều sẽ thon gọn và cải thiện sau 3 tháng.
Các đối tượng có thể thực hiện bài massage
Bài massage mà ELLE giới thiệu không phù hợp cho mọi đối tượng. Trước khi thực hiện, hãy thử kiểm tra khớp hàm của bạn bằng như động tác dưới đây:
- Mở to miệng ở độ lớn đủ vừa 2 ngón tay và kiểm tra xem bạn có cảm thấy khó chịu ở đâu không.
- Thả lỏng cơ hàm dưới rồi lắc qua hai bên để xem vùng khớp có tiếng động lụp khụp không.
Nếu cảm thấy không thoải mái, thấy đau thì rất có thể khớp cắn của bạn đang không đúng. Hãy điều trị khớp cắn trước khi đến với những bài tập sau đây.
6 động tác massage mặt cải thiện mặt lệch
cải thiện mặt lệch với động tác Thổi
- Động tác này sẽ tác động vào cơ má của bạn
- Ngậm một hơi khí trong miệng để hai má phồng lên sau đó lần lượt đẩy hơi về hai bên má trái – phải.
- Ở mỗi bên, giữ hơi 3 giây.
- Nhớ đẩy hơi lưu động giữa bên má trên và má dưới.
- Thực hiện động tác luân phiên hai bên, mỗi bên 8 nhịp.
cải thiện mặt lệch với động tác OE
- Động tác này đơn giản gì là phát âm luân phiên chữ O và E.
- Chữ O đọc giống ô trong tiếng Việt với khẩu hình chu tròn hết cỡ.
- Chữ E đọc giống âm i trong tiếng Việt kéo dài, với khẩu hình mở ngang hết cỡ.
- Thực hiện luân phiên OE 10 nhịp.
Đóng – mở cằm có kháng lực
- Động tác này sẽ tác động và rèn luyện cơ vùng má để hai má phát triển đều nhau.
- Chống cằm là một động tác tì hai ngón cái xuống dưới cằm và để hai ngón cái tác dụng lực ngược lại với khi mở cằm. Lần lượt mở rồi đóng cằm.
- Không cắn chặt hai hàm răng để tránh chấn thương. Khi chuyển động đóng cằm lại, chỉ cần giữ hai hàm răng khép hờ.
- Thực hiện 10 nhịp.
cải thiện mặt lệch với động tác Chống cằm có kháng lực.
- Chống tay lên cằm như động tác chống cằm bình thường.
- Tay tác dụng lực nhẹ lên má. Trong khi đó lưỡi ở trong đẩy má tác dụng lực ngược lại về phía tay.
- Thực hiện liên tục bên trái 5 nhịp rồi chuyển sang bên phải 5 nhịp.
- Mỗi nhịp thực hiện kháng lực trong 5 giây rồi thả lỏng, thực hiện nhịp tiếp theo.
Thư giãn cơ mặt bằng cách hít thở
- Đặt hai tay lên má.
- Hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng.
- Không cần tác dụng lực hay vận động khớp hàm. Chỉ thả lỏng và hít vào thở ra trong 8 nhịp.
Thư giãn cơ mặt bằng cách massage nhẹ nhàng vùng cơ cắn
- Dùng 2 ngón tay xoa nhẹ vào vùng cơ cắn trong 30 giây.
- Sau đó nắm bàn tay lại, dùng khớp của 4 ngón tay thực hiện động tác ấn – đẩy lên khu vực cơ cắn trong vòng 1 phút.
Để có thể thực hiện các động tác này đúng, hãy tham khảo video dưới đây:
Nhóm thực hiện
Bài: Tiểu Linh
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Ảnh: Tổng hợp