Cô chủ tiệm trà mất ngủ vì mải nghĩ cách pha trà

Chứ không phải việc khó nhất là vừa đón khách, vừa pha trà, còn giảng giải cho khách bao điều quanh lá trà để họ hiểu và yêu hơn thứ mà họ đang uống? Công việc này trông có vẻ thanh tao nhàn nhã nhưng tôi thấy khi đứng sau quầy bar, cùng một lúc bộ não phải xử lý rất nhiều thứ phải không?

À, việc đó thì cũng khó đấy. Có những hôm quán đông khách quá, tôi vui nhưng cũng cảm thấy rất mệt. Có những hôm tôi gặp những vị khách không có thiện chí lắm, họ đến không phải vì trà mà có mục đích khác. Có những hôm thể trạng của mình không đảm bảo được việc tiếp đón nhiều lượt khách liên tục, tôi gần như kiệt sức. Những lúc đó tôi đã nghĩ rằng: “Sao phải khổ như thế này nhỉ? Nếu thích uống trà thì chỉ việc ở nhà tự uống trà với nhau là được”.

Nhưng bạn biết không, có những lúc tôi ngồi xuống chiếc ghế bên quầy bar, uống một tuần lục trà Shan Mường Khương, Lào Cai, tự nhiên tôi thấy cảm động lắm. Những nốt hương nấm mỡ, măng tây này, mùi khói thơm lảng bảng này, chúng đáng quý và đáng mến quá. Tôi thật tâm muốn nhiều người khác cũng nếm được, thấy được các hương vị diệu kỳ này.

Thế là tôi cứ làm tiếp. Không chỉ pha trà mà còn mở thêm những buổi trải nghiệm trà để được kể về từng loại trà đến từ những vùng đất khác nhau. Kể về Tà Xùa, Y Tí, Mộc Châu. Kể về cách làm bạch trà thì khác gì lục trà, hồng trà. Kể về trà lên men, về bánh trà 20 năm tuổi, về trần bì 10 năm tuổi. Tôi và các khách hàng của mình, chúng tôi nói với nhau về những nốt hương vị của hoa rừng, quả chín, mùi nấm, mùi gỗ mộc, đất ẩm, mùi rau má, lá trầu không, mùi đào tươi, mùi xoài, mùi hoa trắng li ti mỗi độ xuân về… Những điều ấy với người mới uống trà thì hơi khó nhận ra một chút, nhưng nếu có người đã uống nhiều hơn trao đổi cùng, khơi gợi cùng thì sẽ là một trải nghiệm thực sự tuyệt vời. 

Còn những đêm thiếu ngủ thì sao?

Ít thôi, nhưng vẫn có, khi tôi uống nhiều trà quá (cười). Hoặc khi tôi phải vắt óc nghĩ xem làm thế nào để trải nghiệm uống trà của mọi người trở nên thú vị hơn, làm thế nào nhỉ – để mọi người thích đến quán trà hơn, làm thế nào nhỉ – để tearista cũng có thể trở thành một nghề rất phổ biến như barista hay bartender.

Khi đó, nếu mọi người rủ nhau đi đâu đó, thay vì chỉ hỏi “Cà phê không?”, người ta cũng có thể hỏi nhau “Uống trà không?”. Và câu trả lời sẽ là “Uống”. 

Hôm nay ta đi uống Hồng trà Shan Tuyết nhé?

Đi!