Quyền của lao động nữ được ghi nhận trong các bản Hiến pháp, đặc biệt là Điều 26 Hiến pháp năm 2013: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”.
Tuy nhiên, khác với nam giới, phụ nữ phải đảm nhiệm nhiều vai trò: Vừa là lao động, vừa là vợ, là mẹ, có nghĩa vụ, bổn phận chăm sóc gia đình. Do đó, cần thiết phải có những quy định riêng nhằm mục đích bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ và đinh hướng hoàn thiện chính sách xã hội đối với phụ nữ. Các quy định dành riêng cho phụ nữ được quy định tập trung tại Luật Bình đẳng giới năm 2006, Bộ luật Lao động năm 2019, Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Chính sách hỗ trợ, khuyến khích
Nhà nước bảo đảm quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ, khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà và có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khoẻ, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hòa cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình.– Người sử dụng lao động, có sử dụng nhiều lao động nữ được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế. Các khoản chi tăng thêm cho lao động nữ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Bộ Tài chính. Nhà nước có kế hoạch, biện pháp tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động nữ.
Nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với lao động nữ
Theo quy định tại Bộ Luật lao động 2019 thì người sử dụng lao động khi sử dụng lao động nữ phải tuân theo một số nghĩa vụ sau đây:
(i) Bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác. Cụ thể: người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện quyền bình đẳng giữa lao động nữ và lao động nam trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, tiền lương, khen thưởng, thăng tiến, trả công lao động, các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện lao động, an toàn lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, các chế độ phúc lợi khác về vật chất và tinh thần.
(ii) Tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ. Bảo đảm có đủ buồng tắm và buồng vệ sinh phù họp tại nơi làm việc.
(iii) Giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phàn chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho lao động nữ. Căn cứ điều kiện cụ thể, người sử dụng lao động xây dựng phương án, kế hoạch giúp đờ, hỗ trợ, xây dựng nhà trẻ, lóp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo đối với lao động nữ có con trong độ tuổi gửi trẻ, mẫu giáo bằng tiền mặt hoặc hiện vật. Mức và thời gian hỗ trợ do người sử dụng lao động thỏa thuận với đại diện lao động nữ.
Chế độ làm việc, chế độ chính sách đối với lao động nữ khi mang thai, sinh nở
Theo quy định tại người sử dụng lao động và các văn bản bản hướng dẫn thi hành, người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ hoặc đi công tác xa trong trường họp: Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7, hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 7, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 1 giờ làm việc hàng ngày mà vẫn hưởng đủ lương. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vĩ lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động. Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động.
Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 03 ngày trong một tháng; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Điều 139 Bộ Luật lao động năm 2019 quy định: “Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 06 tháng”. Trong thời gian nghỉ thai sản, các chế độ áp dụng đối với lao động nữ được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, trong đó, chế độ hưởng nguyên lương là quan trọng nhất, bảo đảm quyền lợi về mặt vật chất cho người lao động nữ.
Hết thời gian nghỉ thai sản 06 tháng, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thỏa thuận với người sử dụng lao động. Hoặc lao động nữ có thể đi làm sớm hơn thời gian nghỉ thai sản theo quy định, tuy nhiên, Điều 139 Bộ Luật lao động năm 2019 quy định: “ Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng nhưng người lao động phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động”.
Ngoài ra, lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi; lao động nữ đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình đều là những trường hợp được hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Quyền đơn phương chẩm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai
Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện họp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động, kèm theo ý kiến đề nghị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Thời hạn báo trước để đơn phương chấm dứt, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo thời hạn mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.
Trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thời gian tạm hoãn do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động, nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ. Trường hợp không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Quyền lợi của phụ nữ trong thi hành án
Nữ phạm nhân phạm tội bị xử án tử hình mà có thai thì sẽ được chuyển sang chung thân
Khoản 2, 3 và khoản 4 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân”.
Không xử lý hình sự đối với trường họp nữ hiếp dâm nam
Tiếp nối tinh thần của pháp luật hình sự năm 1999, Bộ luật Hình sự năm 2015 không phân biệt rõ chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi hiếp dâm là nam giới hay nữ giới. Bất kỳ “người nào” thực hiện hành vi thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại Điều 141 của Luật mới đều phải bị xử lý. Tuy nhiên do xuất phát từ hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao về đường lối xét xử của loại tội này từ năm 1967 (từ khi chưa có Bộ luật Hình sự ra đời) cũng như từ thực tiễn xét xử đã tạo ra lối mòn tư duy và tiền lệ cho đến nay rằng chủ thể của tội hiếp dâm đa phần là nam giới.
Người chồng ngoại tình dẫn đến ly hôn sẽ bị phạt tù, quy định cụ thể tại Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015
“Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường họp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đén 01 năm:
(i) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
(ii) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Phạm tội thuộc một trong các trường họp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đén 03 năm:
(i) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
(ii) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó”.
Quyền lợi của phụ nữ quy định trong Luật Bình đẳng giới và các chiến lược quốc gia, chương trình hành động của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương về bình đẳng giới và bảo vệ phụ nữ, trẻ em
Xử lý chênh lệch lương hưu của lao động nữ nghỉ hưu trước và sau thời điểm 01/01/2018 theo Điều 56, Điều 74 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Bởi hiện nay vẫn còn hạn chế trong quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là đối với nam thì việc điều chỉnh được thực hiện theo lộ trình, nhưng đối với nữ thì không theo lộ trình, dẫn đến tạo chênh lệch giữa mức hưởng lương hưu của lao động nữ có cùng thời gian đóng bảo hiểm xã hội (có dưới 30 năm đóng bảo hiểm xã hội) nghỉ hưu trước và sau thời điểm 01/01/2018.
Giải quyết vấn đề bạo lực, buôn bán, xâm hại phụ nữ và trẻ em thông qua việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình Phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 – 2020 của Chính phủ; Đề án Phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới của Bộ Lao động Thương binh và xã hội…
Như vậy, các quy định của pháp luật lao động Việt Nam về bảo vệ lao động nữ hiện nay là khá đầy đủ. Tuy nhiên, để các chính sách mới nêu trên thực sự đi vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ pháp luật lao động bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ, trong quá trình thực hiện có điều bất cập cần kiến nghị với Nhà nước để sửa đổi. Người lao động nữ cũng cần phải ý thức được tầm quan trọng của việc hiểu biết pháp luật lao động, một mặt để đóng góp xây dựng doanh nghiệp mặt khác tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Cùng với đó vai trò và trách nhiệm của tổ chức đại diện cho lao động nữ, cần nhanh chóng thành lập các tổ chức công đoàn và Ban nữ công trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Công đoàn trong các doanh nghiệp phải độc lập với chủ doanh nghiệp về tài chính và con người, chỉ có như vậy mới thực sự là tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi của người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng. Công đoàn – Ban nữ công cần nắm chắc kiến thức về giới và pháp luật lao động để phổ biến các kiến thức về giới, bình đẳng giới và pháp luật cho lao động nữ nhằm nâng cao nhận thức của lao động nữ để họ tự bảo vệ quyền lợi và đóng góp cho xã hội.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
- Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
-
Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: [email protected].