Họa sĩ Mộng Bích: “Cứ dịu dàng dù đời không dễ dàng”

Được biết bà đam mê vẽ tranh từ nhỏ nhưng phải đến 25 tuổi, bà mới được theo học mỹ thuật một cách chính thức phải không?
Ngày nhỏ tôi rất thích đọc sách vì bố tôi là nhà giáo, ông có nhiều cuốn truyện hay. Trong số đó, tôi thích nhất tác phẩm “Không gia đình” của Hector Malot, có nhân vật Rémi. Cậu bé được đi nhiều nơi, gặp nhiều người, có gian khổ và cũng nhiều trải nghiệm quý giá. Tôi thích sau này được lang thang như thế. Lớn hơn chút, tôi được anh trai là kiến trúc sư truyền cho niềm đam mê hội họa, tôi nuôi giấc mơ trở thành họa sĩ. Rồi chiến tranh, tôi phải theo gia đình đi sơ tán lên chiến khu Việt Bắc đến tận năm 1956 mới được về Hà Nội, ổn định cuộc sống và theo học trung cấp mỹ thuật.

Thời đó tốt nghiệp trung cấp xong ai cũng phải đi làm, là lao động tiên tiến mới được lấy bằng và tiếp tục học lên cao hơn. Tôi xung phong lên Ty Văn hóa Thái Nguyên để làm việc, ở đó 5 năm mới đủ điều kiện quay lại Hà Nội học lên đại học.

Sao bà không ở lại công tác tại Hà Nội mà xung phong lên rừng?
Vì yêu nghề đấy! Tôi có thể chọn làm trong nhà máy gạch hoặc trường Cao đẳng Y khoa để ở lại Hà Nội, nhưng nếu thế thì chỉ được vẽ hoa văn trên gạch hoặc bản mô tả cơ thể người thôi. Nghĩ đến công việc lặp đi lặp lại, xa rời cuộc sống, tôi không chịu được. Tôi nghĩ nếu nhận công tác tại Ty Văn hóa Thái Nguyên sẽ được đi vẽ lang thang. Nhưng thật ra lên đó tôi cũng không được sáng tác nghệ thuật mà phải vẽ tranh cổ động, khẩu hiệu, bản đồ… Lúc đầu cũng nản nhưng vì lẽ mưu sinh, mình phải cố gắng. Làm dần rồi lại thấy việc nào cũng có những giá trị riêng.

Nuôi tình yêu nghệ thuật trong bối cảnh đó hẳn không phải chuyện dễ dàng?
Thời chiến tranh đói khổ, mấy ai quan tâm đến nghệ thuật đâu. Họa sĩ ngày ấy cũng không ai bán tranh cả. May mắn là tôi có thể tranh thủ ngắm cảnh thiên nhiên, ký họa cuộc sống trên đường đi làm, đến tối lại lấy những ký họa đó ra để chuyển thành tranh lụa. Mà phải vẽ giấu giếm nhé, vì thời đó nghiêm lắm, lãnh đạo quan niệm cán bộ ngày đi làm, tối phải về nghỉ ngơi lấy sức, ai vẽ tranh là ủy mị. Vẽ xong tôi cất hết đi, chẳng dám khoe với ai.

Thú thực, tôi cũng không có nhiều thời gian sáng tác vì còn phải chăm lo gia đình. Tôi gặp ông nhà ở Thái Nguyên. Trở về từ chiến trường, ông bị thương nặng, đau ốm liên miên, một tay tôi nuôi hai con nhỏ và chăm chồng. Trong nhiều năm như vậy, tôi phải cố gắng thu vén những khoảng thời gian ít ỏi để vẽ chỉ vì thích quá.