Có lẽ không ai có thể hình dung được một thế giới thiếu vắng những thanh âm trầm bổng “detox” cho tâm hồn, hay vẻ đẹp hào nhoáng của những tuần lễ thời trang náo nhiệt sẽ như thế nào. Từ thời điểm thuật ngữ “thời trang” và “âm nhạc” ra đời, cả hai đã hòa quyện vào nhau trong mối quan hệ “cộng sinh” để trở thành những giá trị vượt thời gian đầy kiêu hãnh của nhân loại.
Sợi dây lên kết giữa thời trang và âm nhạc đã được minh chứng qua những trang sử hơn một thế kỷ. Cũng tương tự như thời trang, âm nhạc được xem là nghệ thuật khẳng định cái tôi cá nhân, bộc lộ khía cạnh cảm xúc và tâm hồn bên trong một cách chân thật nhất. Ngược lại, giống với âm nhạc, thời trang là thước đo rõ ràng nhất cho thấy những biến chuyển của thời gian, mang theo những đặc trưng văn hóa và tiểu văn hóa đặc sắc lan rộng đến giới mộ điệu khắp thế giới.
Tiểu văn hóa Flapper của thập niên 1920
So với giai điệu vui tươi và hồn nhiên của ngày nay, nhạc jazz trong những năm đầu vô cùng tai tiếng, bởi đây là thể loại nhạc chỉ được chơi ở các hộp đêm hoặc các quán bar hoạt động bí mật (speakeasy bar – quán ít được nhiều người biết đến, khách hàng thường là các khách quen hoặc được truyền tai giới thiệu). Nhạc jazz mang âm hưởng đậm tính nữ quyền mạnh mẽ, kéo theo sự thay đổi trong phong cách ăn mặc cũng như phong thái đậm chất “chơi” của phụ nữ thập niên 20.
Các tín đồ của nhạc jazz lúc bấy giờ thường cực kỳ ưa chuộng phong cách phối Flapper vừa bay bổng vừa táo bạo. Họ thoát ly hẳn khỏi những chuẩn mực truyền thống mà xã hội áp đặt lên cho người phụ nữ để tự tin diện những bộ trang phục cắt xẻ táo bạo, ngắn, không nội y để lắc lư theo điệu nhạc.
Sự bùng nổ của Teen Pop của thập niên 1950
Mặc dù thời đại Roaring Twenties (hay còn gọi là thời đại nhạc jazz của thập niên 20) có tác động lớn đến thời trang, nhưng đa phần các nhà mốt đều bỏ qua giới trẻ mà chỉ tập trung vào chinh phục gu thẩm mỹ của những người trưởng thành với điều kiện kinh tế cao và ổn định hơn. Mãi cho đến những năm 1950, mọi thứ đã thay đổi khi truyền hình và điện ảnh được ra đời, và tất nhiên âm nhạc cũng trở thành một trong những “món ăn tinh thần” không thể thiếu của công chúng.
Cùng với sự trỗi dậy của các minh tinh màn bạc và các nghệ sĩ rock-and-roll, chẳng hạn như Elvis Presley, một nhu cầu mới bắt đầu xuất hiện. Giới trẻ khao khát mặc những bộ trang phục giống với thần tượng của họ. Thị trường dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên sôi động đến mức các nhà thiết kế không thể ngoảnh mặc làm ngơ được nữa. Và thế là thời trang dành cho giới trẻ bắt đầu nở rộ.
Tiểu văn hóa Mod của thập niên 1960
Thập niên 60 là cột mốc đánh dấu một phiên bản hiện đại hơn của nhạc jazz ra đời ở London (Anh quốc) cũng như phong trào “chủ nghĩa hiện đại” được lan rộng. Tiểu văn hóa thời kỳ này cũng vì thế mà theo phong cách âm nhạc hiện đại hơn như ska, R&B và soul.
Các tín đồ theo đuổi “chủ nghĩa hiện đại” chuộng phong cách sống phóng túng của thế hệ Beatnik thập niên 50. Chính vì lẽ đó mà họ mang tinh thần thời trang tự do vào trong lối sống thường ngày của mình. Các nhóm bạn trẻ yêu thích thời trang này được gọi chung là Mod. Đến giữa thập niên 60, tiểu văn hóa Mod – pha trộn giữa tinh thần hoài cổ Beatnik và hiện đại – trở thành một trong những xu hướng có sức ảnh hưởng nhất lịch sử thời trang cao cấp. Cho đến tận ngày nay, cả âm nhạc và thẩm mỹ Mod vẫn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nhà thiết kế hàng đầu.
Tiểu văn hóa Hippie của thập niên 1960
Trong khi các thanh thiếu niên London mải mê chạy theo phong trào Mod thì giới trẻ Mỹ lại theo đuổi cuộc cách mạng thời trang khác biệt hơn. Trong những năm 60, các thanh niên Hoa Kỳ buộc phải tham gia nhập ngũ để phục vụ cho chiến tranh. Cũng chính vì lẽ đó mà các nhạc sĩ bắt đầu sáng tác những ca khúc phản ánh quan điểm chống lại các nguyên tắc xã hội, chính trị và kinh tế truyền thống ở thời kỳ này. Đồng thời, đây cũng là thời điểm cả thời trang và âm nhạc đều biến hóa đa dạng. Các motif đặc trưng trong phong cách ăn mặc xoay quanh họa tiết tie-dye (nhuộm màu loang), họa tiết in hoa lá nổi bật, phụ kiện thủ công, đồ đan móc, tua rua và quần jeans ống loe. Tất cả đều là các xu hướng nổi bật nhất thập niên 60 và tiếp tục được “triệu hồi” trong các mùa mốt thời gian gần đây.
Tiểu văn hóa Punk của thập niên 1970
Cũng tương tự như các tín đồ của Mod, các bạn trẻ đam mê phong cách Punk vô cùng ưa chuộng các thể loại âm nhạc bắt tai, đậm dấu ấn tự do như ska, reggae và soul. Punk nhanh chóng trở thành một phong trào xã hội được lan tỏa rộng khắp giới trẻ những năm 70. Cũng chính bản chất tự do và đề cao cái tôi cá nhân của Punk, giới trẻ bắt đầu diện những bộ trang phục cá tính như áo khoác da, nhuộm tóc màu sáng, đeo khuyên và nhiều phong cách ăn mặc hoặc trang điểm đi ngược lại với quy chuẩn thông thường.
Glam Rock của thập niên 1970
Có thể nói, thập niên 70 là một trong những thập niên đầu tiên đưa yếu tố khoa học viễn tưởng trở thành tâm điểm trong văn hóa đại chúng. Các nghệ sĩ lừng danh như David Bowie, Marc Bolan và ban nhạc Kiss đều lấy cảm hứng từ khoa học viễn tưởng. Những màn trình diễn của họ trở nên thu hút hơn bao giờ hết khi cài cắm yếu tố này lên màn hình sân khấu. Cũng từ đó mà Glam Rock được ra đời.
Tiểu văn hóa Goth của thập niên 1980
Một trong những điểm nổi bật nhất tiểu văn hóa Glam Rock là nhạc Goth. Thoạt đầu, nhạc Goth được biết đến với tên gọi “Death Goth”, mang giai điệu và phong cách trình diễn tối tăm và ảm đạm. Sau đó, Death Rock phát triển thành Synth-Pop, mang một làn gió mới giữa các thể loại âm nhạc quen thuộc thịnh hành.
Hầu hết các thể loại nhạc mang âm hưởng buồn đều bị ràng buộc bởi thói quen, chẳng hạn như mặc trang phục All-black, thích xem phim kinh dị, trang điểm nhạt, son môi đỏ đậm hay chỉ đơn thuần là tận hưởng mặt tối của cuộc sống. Khởi đầu của thời trang Goth thường mô phỏng các yếu tố ma mị và có phần lập dị.
Grunge của thập niên 1990
Vào những năm 90, một thể loại âm nhạc mới được phổ biến rộng rãi trong giới trẻ. Các ban nhạc thời kỳ này đại diện cho lớp thanh thiếu niên nổi loạn chống lại cuộc sống thương mại hóa ở các vùng ngoại ô cũng như cơn thịnh nộ của họ đối với thế giới. Một trong những nghệ sĩ nổi bật thời kỳ này phải kể đến Kurt Cobain – nhân vật có tầm ảnh hưởng đến âm nhạc mang phong cách Grunge và cũng là biểu tượng phong cách thời trang Grunge đình đám nhất lịch sử.
Hip-hop của thập niên 1990
Vào cuối những năm 80 đến đầu những năm 90, Hip-hop bùng nổ và trở thành thể loại nhạc phổ biến nhất. Văn hóa Hip-hop cũng từ đó mà được hình thành ở các con phố tại các đô thị sầm uất như New York, Los Angeles và Detroit – nơi những màn thi thố tài năng rap, breakdance hay xoay bàn đĩa trở thành một phần không thể thiếu trong thời thanh xuân của thiếu niên. Sức ảnh hưởng của Hip-hop nhanh chóng lan rộng khỏi phạm vi đô thị và được thanh niên Mỹ tích cực đón nhận. Lúc này, giới trẻ bắt chước phong cách ăn mặc của các rapper. Cho đến khi trở thành xu hướng chủ đạo, Hip-hop còn là tên gọi của phong cách thời trang. Các xu hướng Hip-hop phổ biến nhất có thể kể đến quần baggy (phối quần nội y để lộ logo trên đai quần), tracksuit, mũ bucket, màu sắc sặc sỡ và layer nhiều dây chuyền vàng.
EDM (Electric Dance Music) của thập niên 2010
Trong suốt thập niên 90, thế giới nhạc điện tử ngầm “manh nha” bùng nổ. Cho đến những năm 2010, sự lên ngôi của những giai điệu bắt tai, sôi động, phù hợp cho những buổi tiệc nhảy rộn ràng của EDM là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy thời đại của tiểu văn hóa Rave (quẩy) đã trở lại. Các tín đồ thời trang diện những bộ bikini gợi cảm, trang phục ánh kim lấp lánh, quần UFO và tất lưới để hòa vào giai điệu EDM sôi động.
“Gender-fluid” của thập niên 2020
Thập niên 2020 mở màn bằng sự trở lại của hàng loạt xu hướng cổ điển từ cả âm nhạc và thời trang. Tất nhiên, sự trở lại nào cũng mang theo những dấu ấn mới mẻ. Và trong thập niên mới này, khái niệm “gender-fluid” (giới tính linh hoạt) được đặt lên vị trí trung tâm, nơi mọi quy chuẩn về tính nam và tính nữ đều bị “xô đổ”. Không dừng lại ở đó, đây còn là một trong những tư duy quan trọng góp phần củng cố nhận thức về bình đẳng giới trong xã hội hiện đại: bất kể giới tính của bạn là gì, hãy sống theo cách mà bạn mong muốn.