lao động nữ cần biết

Khác với lao động nam giới về sinh lý và sức khoẻ, lao động nữ nhất là lao động nữ mang thai, lao động nữ đang nuôi con nhỏ được hưởng thêm các quyền lợi riêng. Bài viết dưới đây sẽ phân tích các chế độ lao động nữ được hưởng khi nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Bài viết được thực hiện bởi Luật sư Nguyễn Bích Phượng – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Chỉ phải làm thêm giờ, đi công tác xa, làm việc nặng nhọc nếu đồng ý

Căn cứ khoản 1 Điều 137 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về bảo vệ thai sản thì: “1. Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp sau đây: a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý”.

Như vậy về nguyên tắc người sử dụng lao động không được yêu cầu lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm đêm, làm thêm và đi công tác xa. Tuy nhiên nếu người lao động đồng ý thì người sử dụng lao động vẫn có thể yêu cầu người lao động làm thêm giờ, làm đêm hay đi công tác. Quy định này đã có phần cởi mở hơn trong việc sử dụng lao động nữ nuôi con nhỏ. Bởi trước đây, việc sử dụng lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm ban đêm, làm thêm giờ hay đi công tác xa đều không được cho phép dù người lao động đồng ý hay không. Điều này giúp cho việc sắp xếp, bố trí lao động trở nên linh hoạt hơn. Mặt khác, lao động nữ trong trường hợp này cũng sẽ có thêm thu nhập để nuôi con.

Được chuyển làm công việc nhẹ nhàng hơn

Căn cứ khoản 2 Điều 137 Bộ luật lao động năm 2019 về bảo vệ thai sản, theo đó: “2. Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.

Như vậy, theo quy định này lao động nữ sẽ được làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi tuy nhiên quyền lợi này chỉ áp dụng đến hết thời gian nuôi con dưới 12 đồng nghĩa với việc nếu con tròn 01 tuổi, lao động nữ sẽ phải quay về chế độ làm việc trước khi mang thai và sinh con.

Được nghỉ 1 giờ hưởng nguyên lương mỗi ngày

Căn cứ khoản 4 Điều 137 Bộ luật lao động năm 2019 thì: “4. Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động”. Đây là quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện cho lao động nữ trong việc cho con bú, trữ sữa và nghỉ ngơi.

Ngoài ra theo hướng dẫn tại khoản 4 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động thì: “a) Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động; b) Trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định tại điểm a khoản này thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ; c) Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định tại điểm a khoản này, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ”.

Như vậy lao động nữ được phép thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí việc lịch nghỉ linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ. Đặc biệt, nếu không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý cho làm việc thì người lao động sẽ được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ.

Không bị chấm dứt hợp đồng lao động

Bộ luật lao động năm 2019 cấm người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động. Nếu lao động nữ bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì nuôi con nhỏ thì người sử dụng lao động buộc phải nhận người lao động trở lại làm việc, đồng thời bồi thường tổn thất về vật chất và tinh thần cho người lao động.

Trường hợp sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động vì lý do đang nuôi con nhỏ, doanh nghiệp có thể bị phạt tiền lên đến 20 triệu đồng theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 27 Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Không bị kỷ luật lao động

Khoản 4 Điều 122 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động, theo đó: “4. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây: a) Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động; b) Đang bị tạm giữ, tạm giam; c) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 của Bộ luật này; d) Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi”. 

Do đó, nếu lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi vi phạm kỷ luật sẽ không bị xử lý. Tuy nhiên, hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng thì lao động nữ vẫn có thể bị xử lý kỷ luật do thời hiệu xử lý kỷ luật lao động có thể kéo dài (quy định tại Điều 123 Bộ luật lao động năm 2019).

Được bảo đảm về công việc

Điều 140 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về bảo đảm việc làm cho lao động nghỉ thai sản, theo đó: “Lao động được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian theo quy định tại các khoản 1, 3 và 5 Điều 139 của Bộ luật này mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích so với trước khi nghỉ thai sản; trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản”.

Như vậy, lao động nữ được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian thai sản theo quy định; trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.

Hưởng chế độ ốm đau khi con ốm

Điều 141 Bộ luật lao động năm 2019 có quy định về trợ cấp trong thời gian chăm sóc con ốm đau, thai sản và thực hiện các biện pháp tránh thai, theo đó thời gian nghỉ việc khi chăm sóc con dưới 07 tuổi ốm đau, khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý, thực hiện các biện pháp tránh thai, triệt sản, người lao động được hưởng trợ cấp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Như vậy, người lao động sẽ được nghỉ làm và hưởng theo chế độ của Bảo hiểm xã hội.

Căn cứ Điều 25 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ ốm đau khi con bị bệnh nếu đáp ứng đồng thời các điều kiện: Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau; Có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền. Như vậy, nếu đáp ứng các điều kiện trên, lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng cũng sẽ được hưởng quyền lợi về chế độ ốm đau.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: [email protected].