“Hình như tiếng trống. Tiếng trống thực của hôm nay hay tiếng trống trong tâm trí? Các em trong sân chơi, tôi đứng bên ngoài cánh cổng. Con đường Thụy Khuê quen thuộc. Đi nữa là lên Bưởi, sang Nội Bài, là những chuyến bay và một quê hương thứ hai xa thăm thẳm. Một ngày nào đó, các em sẽ đứng như tôi đây, ngó vào trường với bao hoài niệm, yêu thương. Khoảng cách giữa chúng ta chỉ là một cánh cổng trường. Nhưng vượt qua cánh cổng này, vào trong lớp cũ, ngồi trên chỗ ngày xưa, tôi vẫn không thể hòa cùng các bạn. Còn khoảng cách của ba mươi năm nữa chứ. Có một ông nhà văn người Pháp có sáng kiến ‘đi tìm thời gian đã mất’. Thời gian của chúng ta không mất, nó thành trí tuệ, thành tâm hồn chúng ta. Nó không mất nên chẳng cần tìm, và dù có tìm cũng không thấy được. Đường tiến thân có nhiều, mà tuổi thơ chỉ một. Cái con đường một chiều, đi không quay lại. Các bạn ơi, hãy trân trọng. Trân trọng ngay khi ta còn ở trong tuổi ấy”.
– Tuổi thơ chỉ một…
“Ba mươi năm trước, là một nửa đời người. Ba mươi năm qua, tôi đã đi rất nhiều nơi trên quả đất này, và các bạn cũng vậy. Nhưng sâu thẳm trong tâm hồn, có lẽ bạn vẫn muốn quay về nơi ấy, nơi của những tháng ngày sôi nổi, của tuổi trẻ và ước mơ, với hơi ấm của bàn tay và nhịp đập dồn dập trong lồng ngực.
Nơi bạn đã tìm ra con đường của riêng mình”.
– Budapest, ba mươi năm
Một người viết nhiều ưu tư, hoài niệm? Như chính ông cụ sinh ra anh, cũng từng dắt chúng ta về tuổi thơ, bằng những câu thơ nằm trong sách giáo khoa, đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ học trò:
“Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió
Sẽ được nghe thấy tiếng chim hay
Tiếng lích chích chim sâu trong lá
Con chìa vôi vừa hót vừa bay…”
– Nói với em (Vũ Quần Phương)