Hệ thống nội tiết thực hiện vai trò điều hòa chức năng giữa các cơ quan trong cơ thể thông qua các hormone. Khi nội tiết bị rối loạn, có thể gây ra các bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe và sắc đẹp. Chính vì vậy, việc sớm nhận biết các dấu hiệu rối loạn nội tiết tố nữ là rất quan trọng trong việc kịp thời khắc phục và điều trị. Hãy cùng ELLE tìm hiểu về nguyên nhân, biểu hiện cũng như cách khắc phục tình trạng mất cân bằng nội tiết tố.
Mất cân bằng nội tiết tố là gì?
Mất cân bằng nội tiết tố là tình trạng xuất hiện khi có sự gia tăng hoặc suy giảm bất thường của bất kỳ một loại hormone nào đó trong cơ thể. Chẳng hạn như phụ nữ ngoài 30 tuổi, nồng độ estrogen có xu hướng tăng, trong khi progesterone có xu hướng suy giảm. Sự mất cân bằng giữa 2 hormone này gây ra những biểu hiện rối loạn nội tiết tố nữ.
Eden Fromberg, bác sĩ sản khoa toàn diện ở New York đã trả lời về rối loạn nội tiết tố trên tạp chí Vogue bằng một ví dụ hết sức dễ hiểu:
—
“Các nội tiết tố giống như âm nhạc được chơi trong một bản giao hưởng. Chúng có lúc du dương nhưng có lúc không hòa hợp. Khi các hormone phát quá to hoặc quá nhỏ, quá nhanh hoặc quá chậm và không phối hợp với các hormone khác, âm thanh được tạo ra có thể gây chói tai cho cả dàn nhạc.”
—
Nguyên nhân gây mất cân bằng nội tiết tố
Rối loạn nội tiết tố nữ sẽ xảy ra ở những thời điểm nhất định trong cuộc đời người phụ nữ như: tuổi dậy thì, kì kinh nguyệt, khi mang thai và thời kì mãn kinh. Bên cạnh đó, một chế độ ăn uống không lành mạnh, thiếu khoa học, quá nhiều chất béo, dầu mỡ, đồ ăn cay nóng, các thực phẩm chế biến sẵn hoặc thiếu hụt vitamin là nguyên nhân cũng gây ra rối loạn nội tiết tố nữ.
Ngoài ra, một số lí do gây rối loạn nồng độ estrogen trong cơ thể là: tuyến yên hoạt động thấp; suy buồng trứng sớm, có thể là do khiếm khuyết di truyền, độc tố hoặc tình trạng tự miễn dịch; hội chứng Turner; bệnh thận mãn tính; các chất hoá học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ; bệnh béo phì… Lối sống cũng ảnh hưởng rất quan trọng đến quá trình sản sinh hormone, áp lực và căng thẳng trong cuộc sống cũng sẽ làm suy giảm hoạt động của tuyến thượng thận, gây ra mất cân bằng về hormone.
Các dấu hiệu cho thấy bạn đang bị mất cân bằng nội tiết tố
Kinh nguyệt không đều
Mặc dù việc kinh nguyện đến trễ hoặc không đều không phải là hiện tượng hiếm gặp, tuy nhiên nếu chu kì của bạn không ổn định thì đừng nên chủ quan. Hầu hết chu kỳ kinh nguyệt phụ nữ kéo dài 21 đến 35 ngày. Nếu lần hành kinh tiếp theo của bạn đến quá sớm, quá muộn hoặc không đến trong vài tháng có nghĩa là một số hormone (estrogen và progesterone) trong người bạn đang quá cao hoặc quá thấp. Việc kinh nguyệt không đều hoặc tắt kinh là lời cảnh báo của cơ thể, nhắc nhở bạn nên đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể.
Các triệu chứng thể chất tiền kinh nguyệt
Các triệu chứng thể chất tiền kinh nguyệt như tích nước, căng ngực và đau bụng kinh là những dấu hiện thường thấy nhất. Theo khảo sát, 90% phụ nữ đều đã trải qua các triệu chứng tiền kinh nguyệt ở các mức độ khác nhau nên đây cũng là hiện tượng rất phổ biến. Tuy nhiên những triệu chứng này thường đi liền với sự gia tăng đột ngột estrogen và thiếu hụt progesterone.
các triệu chứng tâm lý tiền kinh nguyệt
Các triệu chứng tâm lý tiền kinh nguyệt như lo lắng, trầm cảm hoặc những thay đổi tâm trạng nghiêm trọng khác sẽ xuất hiện trong khoảng 1 tuần trước khi hành kinh. Khi đó sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể sẽ gây ra các ảnh hưởng tới sức khoẻ tinh thần. Nồng độ estrogen trong cơ thể là nguyên nhân dẫn đến lo lắng, trầm cảm hoặc thay đổi cảm xúc đột ngột. Trước khi kỳ kinh nguyệt diễn ra, mức độ estrogen sẽ suy giảm, ảnh hưởng trực tiếp tới các các chất dẫn truyền cảm giác hạnh phúc, mức độ serotonine và dopamine và các chất dẫn truyền khả năng giữ bình tĩnh. Nếu như tình trạng suy giảm estrogen càng nặng hơn thì tình trạng các vấn đề về tâm lí cũng sẽ nghiêm trọng hơn.
Các triệu chứng liên quan đến PCOS (mụn trứng cá, lông mọc bất thường, da nhờn…)
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một dạng rối loạn nội tiết tố thường gặp ở phụ nữ độ tuổi sinh sản. Một bệnh nhân mắc PCOS thường gặp phải các triệu chứng như mụn trứng cá, da nhờn, lông mọc bất thường ở các mặt, cổ, ngực… Để chẩn đoán PCOS, cần phải thực hiện xét nghiệm máu chứ không thể phát hiện qua chụp siêu âm và triệu chứng.
Xuất hiện các vấn đề về giấc ngủ
Nhắc tới giấc ngủ thì không thể không nhắc tới hormone progesterone. Progesterone làm giảm lo lắng và giúp bạn dễ chìm vào giấc ngủ hơn. Tuy nhiên, trong chu kì kinh nguyệt, progesterone giảm ngay trước khi có kinh nguyệt. Điều này liên quan tới biểu hiện khó ngủ và tăng số lần thức giấc trong giai đoạn hành kinh.
Ngoài progesterone, estrogen cũng có tác động lên giấc ngủ. Estrogen có tác dụng làm cho giấc ngủ đều đặn, giảm số lần thức dậy khi ngủ, tăng tổng thời gian ngủ… Khi nồng độ estrogen thấp, đặc biệt là ở giai đoạn tiền mãn kinh, số lần thức giấc tăng gấp .
Cách khắc phục tình trạng mất cân bằng nội tiết tố
Điều trị mất cân bằng nội tiết tố được xác định bởi nguyên nhân cụ thể và rất phù hợp với từng phụ nữ. Mỗi phụ nữ có thể yêu cầu một chế độ điều trị khác nhau. Ngoài các cách điều trị y tế được bác sĩ đưa ra như: kiểm soát nội tiết tố bằng thuốc tránh thai, thuốc kháng androgen, tiêm gonadotropin… thì bạn vẫn có thể thực hiện các biện pháp tự nhiên trong lối sống và chế độ sinh hoạt của mình để góp phần hỗ trợ khắc phục tình trạng mất cân bằng nội tiết tố.
Tập thể dục thường xuyên
Sức khoẻ của nội tiết tố có mối liên quan đến các hoạt động luyện tập thể thao. Trong một nghiên cứu thực hiện ở phụ nữ béo phì được kéo dài 24 tuần, tập thể dục làm tăng độ nhạy insulin của những người tham gia và mức độ adiponectin, được biết đến như loại hormone có tác dụng chống viêm đồng thời giúp điều chỉnh sự trao đổi chất.
Hoạt động thể chất cũng có thể giúp tăng cường mức độ hormone nhằm mục đích duy trì cơ bắp bị suy giảm theo tuổi tác, chẳng hạn như testosterone, IGF-1, DHEA và hormone tăng trưởng. Đối với những người không thể thực hiện các bài tập thể dục mạnh mẽ, thậm chí đi bộ thường xuyên có thể làm tăng mức độ hormone đồng thời làm tăng khả năng cải thiện sức mạnh và chất lượng cuộc sống.
chế độ ăn dinh dưỡng, lành mạnh
Bổ sung các thực phẩm có giàu acid béo như omega 3, omega-6, omega-9 có nhiều trong các loại cá, hạt hướng dương hay bơ. Các acid này có vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất các hormone của cơ thể.
Ăn bổ sung các loại rau xanh đậm như súp lơ, cải bắp… vì trong đó có chứa nhiều vitamin (đặc biệt là vitamin C, B) và khoáng chất (magie, kẽm, mangan…) hỗ trợ tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất hormone cũng như điều hòa nội tiết tố trong cơ thể đồng thời ức chế khả năng rối loạn nội tiết.
Ngủ đủ giấc và tránh căng thẳng
Nếu bạn không ngủ đủ giấc, sức khỏe của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Nghiên cứu cho thấy thiếu ngủ có liên quan đến sự mất cân bằng hormone như insulin, hormone tăng trưởng, cortisol, leptin… Vì vậy, để duy trì cân bằng hormone, các nàng cần ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi ngày và chú ý ngủ đúng giờ.
Ngoài ra, tình trạng căng thẳng, stress kéo dài có thể làm giảm nội tiết tố. Tình trạng này gây ra rối loạn nội tiết tố, cụ thể là rối loạn buồng trứng, tuyến yên và trục não. Để tránh khỏi căng thẳng, bạn có thể học cách phát triển kỹ năng quản lý cảm xúc, tập thiền, gặp gỡ bạn bè, tham gia hoạt động ngoài trời, hoạt động xã hội…