Thủy Đào “Her 86m2”: “Tôi có thể sống ‘nhàm chán’ như thế này mãi mãi”

Mọi video của Thủy đều ngập tràn tình yêu với thiên nhiên, cây cỏ. Với bạn, lối sống xanh được hiểu như thế nào?
Tôi cho rằng sống xanh không phải một điều gì quá cao siêu, cũng không yêu cầu sự hoàn hảo. Tôi chỉ đơn giản là cố gắng trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, từng chút một. Nhìn lại các video YouTube từ trước đến giờ, tôi có thể tự hào nói rằng lối sống của mình đã trở nên tốt hơn: bằng việc tự làm các vật dụng trong nhà – nếu có thể, mua đồ cũ thay vì đồ mới – nếu có thể, cắt giảm dần việc ăn thịt… Tất nhiên vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện nữa, nhưng này, đôi khi đừng quá khắt khe với bản thân.

Làm thế nào để loại bỏ áp lực rằng mình phải sống xanh? Vì nhiều khi, cảm giác bị ép buộc khiến chúng ta khó có thể đi xa được.
Không nên ôm đồm và cũng đừng tạo quá nhiều áp lực lên bản thân. Theo kinh nghiệm của mình, tôi thấy không cần phải đặt ra một đích đến thật oách khi bắt đầu sống xanh, cứ đề ra từng mục tiêu nhỏ và hoàn thành chúng. Cái gì dễ, nhanh, làm trước. Những việc khó để sau. Chậm mà chắc, dài hơi mà ổn định còn hơn sôi sục quyết tâm rồi bỏ cuộc sau vài ngày.

Với bạn, sống xanh có gì thú vị?
Việc thú vị nhất với tôi là cảm giác sau mỗi ngày, mỗi tuần, kiến thức về trồng rau, làm vườn hay về các loài sinh vật lại tăng thêm chút ít, lại có những khoảnh khắc “à, ồ, hóa ra là như thế” khi khám phá được điều gì mà mình chưa biết. Cảm giác đó quan trọng hơn sự khám phá. Bạn có biết rằng loài ong không thể bay trong bóng tối, 91% bắp cải là nước, toàn bộ cây bồ công anh từ rễ đến hoa đều ăn được…? Tất cả những tri thức thú vị này tôi đều phát hiện ra trong quá trình học cách sống xanh.

Bạn dạy con như thế nào để cô bé hiểu và cũng thuận theo lối sống này?
Cái hay của việc làm bố làm mẹ là mình không cần phải ép buộc gì hết, bọn trẻ rất thích nhìn người lớn để làm theo. Việc thực hành lối sống xanh cũng vậy. Đến bây giờ, An con gái tôi đã biết cất tất cả các tờ giấy vẽ vào một cái hộp. Sau này con dùng chính những tờ giấy đó để gấp thú, máy bay… Cô bé học được điều đó khi quan sát ba mẹ luôn tái chế giấy, tái chế đồ đạc nếu có thể.

Người ta nói rằng chỉ số IQ của trẻ con tỉ lệ thuận với mức độ chúng tiếp xúc với thiên nhiên, bạn có nhận thấy điều này?
Chưa vội bàn đến IQ, nhưng quan sát hành trình An làm bạn với thiên nhiên, tôi nhận ra rằng bọn nhóc luôn đón nhận tất cả các hình ảnh, âm thanh, mùi vị, kết cấu và cảm xúc xung quanh chúng một cách mãnh liệt và hồn nhiên. Ở gần thiên nhiên, con trẻ phát triển các giác quan và khả năng nhận thức theo một cách rất cân bằng.

Triết gia Ralph Waldo Emerson từng nói: “Mặt trời chỉ làm ánh lên đôi mắt người lớn, nhưng nó chiếu thẳng vào trái tim và con mắt của đứa trẻ”. Thế giới của chúng ta đang biến đổi quá nhanh, và không phải theo chiều hướng tốt. Nếu một đứa trẻ lớn lên không bao giờ đi bộ trong rừng, đào đất, tự trồng rau trong nhà, nhìn thấy động vật trong môi trường tự nhiên, leo núi, chơi suối…, nó sẽ không bao giờ thực sự hiểu được những gì lớn lao sắp mất.