Tôi là một phần của tự nhiên, như con rùa, cái cây, viên sỏi…

Ở một góc nhỏ của khu rừng nhiệt đới còn sót lại ngoài khơi Philippines, con đại bàng non một ngày nọ không thấy cha mẹ mình quay về nữa. Đã đến lúc nó phải tự học cách bay. Với đôi chân run rẩy, nó chập chững đứng lên, ngả nghiêng bám trụ bộ móng vuốt trên cành cây rung rinh, rồi khi nó định vỗ cánh bay lần đầu tiên thì một cơn mưa rào đổ xuống ướt nhoẹt. Con đại bàng ngây thơ buồn bã ngước nhìn màn mưa trắng xóa, đến khi mưa tạnh, nắng lên, nó chính thức sải đôi cánh băng qua những vòm cây cổ thụ. Ta bất giác muốn khóc vì vẻ đẹp phóng khoáng, lớn lao ấy.

Đó là một trong vài trăm cá thể đại bàng Philippines còn đang vỗ cánh trên bầu trời. Thước phim về nó là một trong những thước phim thuộc series phim tài liệu “Our planet” do Silverback Films, Netflix cùng Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF thực hiện, qua giọng kể nhà tự nhiên học David Attenborough.

Nếu muốn trải nghiệm những cung bậc cảm xúc sống động, bạn chỉ cần dành một giờ đồng hồ xem một tập bất kỳ của “Our planet”. Làm sao có thể không thổn thức trước cảnh con chim thiên đường lông đen tuyền với cặp mắt màu xanh vàng thu dọn từng chiếc lá trên mặt đất, chuẩn bị khoảng không gọn gàng làm sân khấu trước khi xòa cánh tròn như quạt, múa một điệu lấy lòng bạn tình – điệu múa không thua kém bất cứ vũ công salsa hay tango nào trên thế giới? Làm sao có thể không choáng ngợp trước cảnh đại dương sâu tối tăm, những con phù du trong suốt phát sáng như một tiểu thiên hà lấp lánh? Hay làm sao không chùng lòng cho được khi thấy giữa biển tuyết mênh mông, con gấu trắng lãng du đi săn hải cẩu, nó đi mãi mà không thấy con mồi, chỉ có mình nó và mặt trời trên cao tròn lẳn?

Xa khỏi những đô thị công nghiệp mà cư dân mỗi sáng đều mừng vui nếu chỉ số chất lượng không khí chỉ ở mức xấu chứ không phải cực xấu, ở đâu đó vẫn có những đàn hồng hạc đang bay rợp một góc sa mạc, nơi vừa đón nhận một trận mưa sau mấy chục năm khô hạn; có bầy kiến đang nuôi một kén bướm mà chúng nhầm tưởng là kiến chúa, rồi một ngày kén vỡ và con bướm xinh đẹp bay đi; có lũ rái cá đang tắm táp trong rừng tảo bẹ dưới những vùng biển lạnh.

Không mua nước mắt, không bi kịch, không lên án, không nổi cơn thịnh nộ, những thước phim của “Our planet” chỉ đơn giản là sự tiếp nối của những cảnh quan đẹp khôn cùng. Và bởi vì trái đất đẹp nhường ấy, ta ngỡ như chẳng kẻ nào nỡ làm tổn hại tới nó. Thế nhưng, vì sao đại dương ngày càng trống rỗng, vì sao những đàn chim rợp trời xưa kia dần biến mất, và vì sao những con voi đi bộ hàng dặm dài mà không tìm được giọt nước nào?