Vũ Khánh Tùng: “Cuối cùng tôi đã ướm vừa đôi giày của bố”

Tùng không nghĩ thế, chuyện đơn giản chỉ là (nhưng thật ra mang ý nghĩa sâu xa): “Với riêng tôi thì đây là bộ sưu tập đặc biệt nhất của bố vì nó là sự kết nối nghề nghiệp của tôi với ông, khi cùng ê-kíp Đẹp Fashion Show 11 (2011) thiết kế không gian triển lãm nghệ thuật của sự kiện. Đề bài nghe chừng đơn giản nhưng không hề dễ nhằn với một nghệ nhân vốn xa lạ với thế giới thời trang. Và đáng kể, nó là một ‘đơn đặt hàng’ giữa hai người gần như không liên quan gì nhau trong công việc. Tiếng là con trai duy nhất của một nghệ nhân, nhưng trước đó và tận mãi sau này, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ theo nghề của bố. Tôi muốn được sống một cuộc đời bay nhảy hơn, tung tăng hơn là một đời gắn bó với làng, suốt ngày lầm lụi đất cát, cặm cụi bên những mẻ gốm, quay cuồng giữa những hợp đồng… như bố mẹ”. Ở những năm tháng tuổi trẻ đầu đời, Tùng chọn học khoa tiếng Nhật, rồi dần được “dòng đời xô đẩy” tới nghề báo ở cương vị một nhà sản xuất và giám đốc hình ảnh – công việc đúng với sở thích bay nhảy, quảng giao cũng như sở trường chỉn chu, giỏi quán xuyến mọi việc của anh.

 

Nhưng mọi chuyện biến đổi kể từ sau một biến cố lớn trong gia đình anh. Tháng 10/2016, Tùng hớt hải bỏ ngang một chuyến đi công tác khi nhận được hung tin: bố anh, trong khi đang xây dựng Bảo tàng Nghệ thuật Hồn Đất Việt đã không may tử nạn, như một cú “sinh nghề tử nghiệp”. 50 năm lặn ngụp làm nghề, gia tài Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thắng để lại là cả một di sản gồm những bộ sưu tập vô giá, nhiều tác phẩm trong số đó là độc bản, ông từng không chịu bán với bất cứ giá nào để làm “của để dành” cho dự định tâm huyết, chứa đựng tầm nhìn xa: thành lập bảo tàng gốm sứ tư nhân đầu tiên tại làng gốm Bát Tràng. Người con trai duy nhất của nghệ nhân đã nhiều lần “vừa đi vừa khóc”, nghĩ đến những việc bố đang làm dở và mình không biết phải bắt đầu từ đâu để có thể gánh tiếp, khi trót không từng đi chung đường. Ấy là lúc Tùng chợt nhận ra kỳ vọng kín đáo của bố anh khi trước đó đã để anh được mặc sức tung tẩy, được ra đời học đủ thứ mà anh muốn (và cả ông cũng muốn), rồi biết đâu sẽ có ngày, cộng với cái máu “con nhà” sẵn có, gu thẩm mỹ được bồi đắp từ bé, anh sẽ về lại đúng nơi anh từng đi.